Các trường đại học chủ động phương án tuyển sinh

Sự kiện Thông báo quản lý đào tạo

(LĐ Online) – Mùa tuyển sinh năm 2020, các trường đại học (ĐH) ở Lâm Đồng đã chọn xét tuyển bằng học bạ và xem đây là một trong những phương thức xét tuyển chính. 

Các trường THPT trong tỉnh đang khẩn trương ôn tập cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Các trường THPT trong tỉnh đang khẩn trương ôn tập cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

 So với thông tin công bố trước đây, đề án tuyển sinh mới của các trường có nhiều thay đổi, đặc biệt về các phương thức và việc phân bổ lại chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển. Ông Trần Hữu Duy – Trưởng phòng Quản lý – Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt cho biết: So với năm trước, năm nay ĐH Đà Lạt đã chốt 4 phương án tuyển sinh ĐH 2020 gồm: Xét tuyển thẳng; lấy kết quả THPT Quốc gia 2020; xét tuyển học bạ và phương án lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực THPT 2020 do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức để xét tuyển.  Theo ông Duy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh lớp 12 phải lùi lại lịch học khá dài. Thời điểm này, các em học sinh lớp 12 chỉ mới hoàn thành cơ bản chương trình học nên thay vì chỉ xét học bạ lớp 12, trường sẽ xét thêm học bạ lớp 11 của thí sinh để làm căn cứ xét tuyển.  “Nhà trường sẽ xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Trong đó, xét học bạ bằng hai phương thức khác nhau, đó là tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển của 5 học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12) và phương thức xét tuyển tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển của năm lớp 12. Thí sinh nộp học bạ càng sớm, thì mức độ cạnh tranh sẽ càng ít và khả năng trúng tuyển càng cao” – ông Duy thông tin. Năm nay, Trường ĐH Đà Lạt được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh 2.820 chỉ tiêu/33 ngành học. Trong đó, nhóm ngành Sư phạm tuyển sinh 270 chỉ tiêu, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Đối với các nhóm ngành Khoa học cơ bản, để thu hút thí sinh tham gia xét tuyển và theo học, ĐH Đà Lạt sẽ giảm học phí 10% cho sinh viên.  Đến thời điểm hiện tại, lượng hồ sơ xin xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Đà Lạt đã nộp về 1.500 hồ sơ và dự kiến sẽ tăng mạnh bởi thời gian nộp hồ sơ đợt 1 đến hết ngày 31/7.  Tại Trường ĐH Yersin, thầy Nguyễn Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng ĐH Yersin Đà Lạt cho biết: Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được thay đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả đó để tuyển sinh, nhưng các trường vẫn lo ngại vì một bài kiểm tra không thể đánh giá hết năng lực của học sinh. Vì vậy, phần lớn các trường quyết định đưa phương thức xét tuyển học bạ là một trong các phương thức tuyển sinh chính. Hiện nhà trường đã tổ chức xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 hoặc kỳ thi THPT Quốc gia các năm trước. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi (theo thang điểm 10) đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo Quy chế tuyển sinh 2020. Đối với ngành Điều dưỡng và Dược học, thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định theo từng năm tuyển sinh. Đối với ngành Kiến trúc và Thiết kế nội thất, trường xét tuyển điểm thi môn vẽ tại các trường có tổ chức thi môn năng khiếu. Phương thức xét tuyển học bạ THPT, nhà trường sử dụng điểm trung bình kết quả học tập học kỳ 1, học kỳ 2 của năm lớp 11 và học kỳ 1 của năm lớp 12 để xét tuyển. Tổng điểm trung bình của 3 học kỳ đạt 17.0 điểm trở lên. Ngành Điều dưỡng xét tuyển thí sinh có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên; ngành Dược học xét tuyển thí sinh có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên. Còn phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2020 của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thí sinh phải đạt từ 600 điểm trở lên của kỳ thi đánh giá năng lực 2020 do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. Đối với ngành Dược học, học sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên; và đạt mức điểm từ 800 điểm trở lên. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức phương án thi đánh giá năng lực. Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo thang điểm 10 và cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định Điều 7 của “Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy” và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. “Các em chọn nhiều phương thức xét tuyển khác nhau sẽ tăng cơ hội trúng tuyển và học ngành nghề mình yêu thích, thay vì chọn quá nhiều nguyện vọng. Mình khuyên thí sinh nên xét học bạ lẫn thi tuyển để vừa tạo sự an toàn khi xét học bạ và có cơ hội trúng tuyển vào các trường tốp trên khi thi tuyển” – thầy Sơn nói.