Sau thời gian trao đổi và thảo luận, vào chiều ngày 06/7/2022, Trường Đại học Đà Lạt đã ký kết Thỏa thuận hợp tác cùng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản trị đại học, liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của hai Trường.
Tham dự buổi Lễ, về phía Trường Đại học Sư phạm TP.HCM có TS. Nguyễn Thị Minh Hồng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS. TS. Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Ngọc Trung – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các phòng: Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường – Tạp chí Khoa học, Phòng Đào tạo, Phòng Sau Đại học, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Phát triển Khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên Trường, Phòng Công tác Chính trị và Học sinh Sinh viên, Văn phòng ETEP của Trường.
Về phía Trường Đại học Đà Lạt, có sự tham dự của TS. Lê Minh Chiến – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Văn Vinh – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng – Phó Hiệu trưởng; ThS. Trần Thống – Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các phòng, khoa chuyên môn của Trường.
Phát biểu tại buổi Lễ, Hiệu trưởng Lê Minh Chiến và Hiệu trưởng Huỳnh Văn Sơn đều bày tỏ sự vui mừng về việc ký kết hợp tác giữa hai Trường. Bên cạnh việc giới thiệu ngắn gọn về lịch sử hình thành và phát triển, những thành tựu nổi bật của hai trường trong thời gian qua, cả hai Hiệu trưởng đều chia sẻ sự hợp tác này nhằm phát huy thế mạnh của hai bên để đưa hệ thống giáo dục quốc dân phát triển theo định hướng đa dạng về loại hình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đồng thời, lãnh đạo hai Trường cũng nhất trí cần cụ thể hóa Thỏa thuận hợp tác thành các nhiệm vụ, chương trình cụ thể để triển khai và có tổng kết, đánh giá hàng năm, làm cơ sở để đưa ra những kế hoạch cụ thể trong những năm tiếp theo.
Nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác trên 03 công tác chính bao gồm: (1) Công tác quản trị đại học; (2) Công tác đào tạo, bồi dưỡng; (3) Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ở từng mảng công tác, hai Trường sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác cụ thể về các nội dung chi tiết như: Tổ chức các đợt học tập, trao đổi kinh nghiệm, hội nghị giữa các chuyên gia của hai Trường; Hợp tác trong công tác định chất lượng chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn hiện hành; Thực hiện chương trình trao đổi giảng viên; tổ chức các buổi hội thảo, giảng dạy và tư vấn cho người học; Phối hợp xây dựng, phát triển Chương trình bồi dưỡng thường xuyên trong và ngoài khuôn khổ Chương trình ETEP; Trao đổi hoạt động của Tạp chí Khoa học;…
Sau khi ký kết, lãnh đạo hai Trường có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị, phòng, khoa của mình để phát triển mối quan hệ hợp tác theo từng lĩnh vực, loại hình đào tạo, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mỗi bên.
Phòng Tạp chí và Truyền thông