Vừa qua, giáo dục có nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, vi phạm, trong đó có lĩnh vực giáo dục ngoài công lập. Trong bối cảnh đó, hội thảo trực tuyến đổi mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 17-12 tại Hà Nội nhận được sự quan tâm của các địa phương.
Tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất
Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay có 318 cán bộ thanh tra của 63 Sở GD-ĐT và 22.445 cộng tác viên thanh tra. Trong 2 năm qua, thanh tra ngành giáo dục đã thanh tra hành chính được 612 cuộc, thanh tra theo chuyên ngành 1.030 cuộc. Trong đó, thanh tra chuyên ngành chủ yếu về việc quản lý dạy thêm, học thêm, các khoản thu, chi đầu năm học, việc thực hiện quy định về mặc đồng phục; việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; việc thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; các khoản thu ngoài ngân sách và thanh tra các kỳ thi…
Ngoài ra, theo ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, căn cứ vào đơn thư phản ánh về những vấn đề giáo dục đang được dư luận xã hội quan tâm, các Sở GD-ĐT đã tiến hành thanh tra đột xuất được 105 cuộc, tập trung vào công tác quản lý, sử dụng các khoản thu thỏa thuận đầu năm học, công tác quản lý dạy thêm, học thêm, mua sắm tài sản công; thực hiện quy chế chuyên môn ở các trường mầm non ngoài công lập; cấp phát văn bằng chứng chỉ… Thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng, các cuộc thanh tra đột xuất đã thực hiện đúng quy trình, đã phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương trong hoạt động giáo dục.
Tập trung thanh tra một số nội dung gây bức xúc
Tuy thanh tra giáo dục đã có những kết quả bước đầu nhưng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, một số Sở GD-ĐT chưa quan tâm đến tính đặc thù của hoạt động thanh tra. Năng lực, kinh nghiệm thanh tra ở một số cán bộ công chức còn hạn chế, đặc biệt là năng lực, kiến thức về pháp luật; không có các bộ phận chuyên trách thanh tra có chuyên môn về tài chính…
Lực lượng thanh tra giáo dục cũng còn lúng túng trong việc triển khai thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp. Việc ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra, gửi kết luận thanh tra về Bộ GD-ĐT, công khai xử lý vi phạm; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra xử lý sau thanh tra, chấn chỉnh một số vấn đề nóng như thu phí, dạy thêm, học thêm… còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2015-2020”. Theo đó, hoạt động thanh tra chuyển trọng tâm từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra trách nhiệm quản lý của thủ trưởng đơn vị. Sẽ không còn thanh tra toàn diện nhà trường và thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo như trước đây, mà nội dung thanh tra sẽ tập trung vào một số nội dung gây bức xúc dư luận xã hội.
“Một trong những hướng đổi mới quan trọng của công tác thanh tra trong thời gian tới là tách bạch quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn. Lâu nay chúng ta hay nhầm lẫn vì các cơ quan nhà nước tham gia nhiều vào việc của các cơ quan chuyên môn”, ông Hiển nhấn mạnh. Đơn cử, trước đây thanh tra chuyên môn xếp loại hiệu trưởng, giáo viên; tới đây sẽ không làm việc đó nữa. Việc xếp loại nhà trường sẽ được thực hiện qua kênh kiểm định chất lượng; việc xếp loại hiệu trưởng, giáo viên sẽ thực hiện qua xếp loại theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên. Trước hết coi trọng việc tự xếp loại, tự đánh giá để họ thấy cái gì mạnh thì tiếp tục phát huy, cái gì hạn chế thì tập trung khắc phục để tự nâng cao năng lực của mình.
(Nguồn: Sài Gòn giải phòng Online)