Ngày 18 tháng 5 năm 2018 tại Trường Đại học Đà Lạt, Khối thi đua các trường chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Hội thảo là cơ hội để các trường trong Khối tìm hiểu, trao đổi thông tin cũng như chia sẻ những kinh nghiệm về hoạt động dạy và học, từ đó tìm ra những giải pháp tối ưu trong hoạt động này, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế các trường trong Khối ở khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước. Đây cũng là dịp để tăng cường xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn mới.
Tham dự Hội thảo, có TS Lê Minh Chiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, đại diện lãnh đạo các trường trong Khối thi đua gồm: Trường Đại học Yesin Đà Lạt, Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng, Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trường Cao đẳng kinh tế – Kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Trường Cao đẳng Công nghệ – Kinh tế Bảo Lộc, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt. Hội thảo cũng có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý và các báo cáo viên đến từ các trường trong Khối thi đua, đại diện lãnh đạo các Phòng, Khoa, Viện, Trung tâm thuộc Trường Đại học Đà Lạt.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đã tham dự và trình bày tham luận với tựa đề “ Tiêu chuẩn CDIO và đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA”. Bài báo cáo giới thiệu về các tiêu chuẩn CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate) và AUN-QA ( AseanUniversity network – Quality Assurance) về đánh giá chất lượng cấp chương trình nhằm đối sánh những yêu cầu xây dựng chương trình của CDIO và các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng. Bộ tiêu chuẩn AUN – QA tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của một chương trình . Trong khi đó, triết lý xây dựng và những yêu cầu của CDIO tập trung tiếp cận xây dựng, vận hành chương trình dựa trên những kiến thức, kỹ năng, chú trọng vào các kết quả học tập, đảm bảo các kiến thức, kỹ năng, và thái độ được xác định rõ ràng, chuyển tải thành kết quả học tập mong đợi và được xây dựng trên nhu cầu của các bên liên quan.
Như vậy, việc xây dựng và vận hành chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra CDIO là khung công cụ hữu ích cho tự đánh giá chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục. Các bộ tiêu chuẩn này không tập trung vào những đặc trưng riêng của từng ngành, do đó chúng phù hợp với một cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực như Trường Đại học Đà Lạt.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: