Đinh Thị Hoàng Phương
(Ủy viên Ban Tuyên giáo Đảng ủy Trường Đại học Đà Lạt)
Cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ thứ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc. Vì lợi ích tham tàn của mình, các nước tư bản đế quốc một mặt ra sức bóc lột nhân dân lao động trong nước, mặt khác mở rộng và đẩy mạnh các cuộc chiến tranh xâm lược ra bên ngoài, áp bức nhân dân các nước thuộc địa. Phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi thế giới. Sự thắng lợi của Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 – sự kiện “vạch thời đại”, biểu tượng giải phóng giai cấp, dân tộc khỏi áp bức, bóc lột và sự thành lập của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) năm 1919 đã mang một luồng sinh khí mới và trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ở Việt Nam, Pháp thực hiện chính sách cai trị thực dân thâm độc làm cho sự phân hóa giai cấp và mâu thuẫn xã hội diễn ra ngày càng gay gắt. Các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược theo ý thức hệ phong kiến và khuynh hướng dân chủ tư sản đều bị thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Với hành trình tìm đường cứu nước mang theo khát vọng cháy bỏng và niềm tin tất thắng về một tương lai độc lập, tự do, hạnh phúc cho đồng bào, Nguyễn Ái Quốc sau khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo đã tìm ra lời giải cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào đấu tranh ở Việt Nam. Đồng thời Người cùng các đồng chí cách mạng tiền bối có sự chuẩn bị cẩn trọng về tiến trình, tư tưởng, tổ chức, nhân sự cho sự ra đời của đảng vô sản ở Việt Nam. Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 03 tháng 02 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và thống nhất tổ chức lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết, đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của đội ngũ chiến sỹ cách mạng tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc.
Những mốc soi nổi bật trong chặng đường 93 năm vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam:
- Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945) với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đập tan sự thống trị của chế độ thực dân nửa phong kiến, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
- Đảng lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1945 – 1975):
– Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 – 1954): Bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các cuộc chiến tranh của thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
– Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 – 1975): Bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, kiên trì, kiên định, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược với vũ khí và khí tài quân sự hiện đại bậc nhất của đế quốc Mỹ lúc bấy giờ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang và với chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đã hoàn thành, miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Đồng thời với việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau 21 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đã giành được những thành tựu quan trọng, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu cho chủ nghĩa xã hội; hoàn thành vai trò hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
- Đảng lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1986 đến nay: Qua hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những thành tựu qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới là minh chứng sinh động khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta xây dựng nên nhiều truyền thống quý báu, thể hiện bản chất tốt đẹp. Một là, truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hai là, truyền thống giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để đề ra đường lối đúng đắn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng. Ba là, truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Bốn là, truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí. Năm là, truyền thống đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả. Những truyền thống quý báu của Đảng ta là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của giai cấp công nhân Việt Nam và giai cấp công nhân quốc tế trên một tầm cao mới của thời đại; là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh xương máu, phấn đấu không mệt mỏi của các cán bộ, đảng viên qua nhiều thế hệ.
Tự hào với những thắng lợi đã đạt được, hướng tới tương lai Việt Nam hùng cường, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt với tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII với những kết quả nổi bật: Thứ nhất, Tình hình chính trị tư tưởng trong Trường ổn định, đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức đoàn kết, yên tâm công tác, nỗ lực làm tốt công tác chuyên môn, tích cực nghiên cứu, học tập và rèn luyện; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn cơ quan; không để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo cán bộ và sinh viên tham gia các cuộc vận động biểu tình, gây mất an ninh trật tự xã hội; Thứ hai, Đảng ủy đã lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn: đội ngũ cán bộ, giảng viên có sự phát triển về chất lượng; ổn định kết quả tuyển sinh đại học chính quy hằng năm; chất lượng đào tạo tiếp tục được nâng lên; Trường trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế vào năm 2017; Trường đã đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo chuẩn 2.0 vào năm 2019, khẳng định là cơ sở đào tạo đại học đạt yêu cầu chất lượng; hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế được gia tăng và đi vào chiều sâu; nhiều năm liên tục được xếp hạng cao về thành tích nghiên cứu khoa học trong hệ thống trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tạp chí khoa học của Trường được chỉ mục vào cơ sở dữ liệu các tạp chí khoa học của khu vực ASEAN (ACI), là hội viên bạc của Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ nhân tạo thế giới (AIWS-IN) đã tạo những nền tảng vững chắc cho lộ trình quốc tế hóa; công tác thanh tra, kiểm định trong giáo dục tiến hành đúng quy định; hoạt động quản trị của Trường ngày càng chuyên nghiệp, tinh gọn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy; cơ sở vật chất, cảnh quan của Trường ngày càng được đầu tư hiện đại, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; thu nhập, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, giảng viên và người lao động được nâng lên một bước; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, rèn luyện và đời sống tinh thần của sinh viên; Thứ ba, Đảng ủy và các chi bộ đã có sự quan tâm và đầu tư cho công tác tuyên giáo; công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, quy hoạch và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên; làm tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên; Thứ tư, Triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” ở cấp trường, chi bộ và đoàn thể, trong đó chú trọng đến công tác khắc phục khuyết điểm, hạn chế đã được kiểm điểm; Thứ năm, Đảng ủy lãnh đạo các đoàn thể: Công đoàn và Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Hội CCB hoạt động hiệu quả, thu hút đại đa số sinh viên, cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên vào các hoạt động tích cực, đoàn kết, đồng tâm hiệp lực xây dựng Trường. Các đoàn thể đã thể hiện tốt vai trò của mình trong phong trào, các hoạt động đi vào bề sâu và đạt được những kết quả cao.
Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tự hào là tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiếp tục phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và liên kết với doanh nghiệp, hoàn thành sứ mệnh đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao hướng vào giá trị cốt lõi “thụ nhân, khai phóng, bản sắc” và tiếp tục xây dựng Trường Đại học Đà Lạt trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ chất lượng cao của vùng Tây Nguyên và cả nước, từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Bài viết có sử dụng tư liệu từ:
- Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Ban Tuyên giáo – Tỉnh ủy Lâm Đồng, Hướng dẫn số 112-HD/BTGTU ngày ngày 22 tháng 12 năm 2022 Hướng dẫn Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2023.
- Đảng ủy Trường Đại học Đà Lạt – Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Khóa XII trình Đại hội Đảng bộ Đại học Đà Lạt Khóa XIII (nhiệm kỳ 2020 – 2025).
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 (1930 – 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.