Với mong muốn góp phần vào công cuộc bảo vệ và phát triển tài nguyên bền vững, phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên đặc biệt trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay, sáng ngày 28/7/2022, tại phòng họp nhà A1, Trường Đại học Đà Lạt đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos Vietnam).
Tham dự buổi ký kết, về phía Trường Đại học Đà Lạt, có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng – Phó Hiệu trưởng, cùng đại diện lãnh đạo Khoa Nông lâm và Phòng Quản lý Khoa học & Hợp tác Quốc tế. Về phía Tropenbos Vietnam, có sự hiện diện của ông Trần Hữu Nghị – Giám đốc Trung tâm.
Tropenbos Vietnam, bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 2001, là một trong sáu chương trình nghiên cứu của tổ chức Tropenbos International (TBI) có trụ sở tại Hà Lan. Mục tiêu của chương trình nhằm góp phần cải thiện chính sách, kỹ thuật và phương pháp bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng ở Việt Nam. Trong năm 2021, Khoa Nông lâm của Trường Đại học Đà Lạt đã hợp tác và thực hiện tư vấn cho Tropenbos Vietnam trong một sự án về việc đa dạng sinh học và khả năng chống chịu khí hậu trong café cảnh quan ở Tây Nguyên. Đến năm 2022, Tropenbos Vietnam mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với Trường Đại học Đà Lạt trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế.
Sau thời gian thảo luận và thống nhất, Trường Đại học Đà Lạt và Tropenbos Vietnam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nội dung chính bao gồm: (1) Nghiên cứu xây dựng, đề xuất và triển khai các cách tiếp cận, giải pháp phù hợp trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Tây Nguyên; (2) Hợp tác tổ chức các tập huấn, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu kỹ thuật về các vấn đề có liên quan đến tiếp cận cảnh quan, quản lý tài nguyên bền vững, phát triển sinh kế cho người dân địa phương; (3) Tăng cường sự tham gia, kết nối của các bên, hợp tác trong xuất bản các ấn phẩm liên quan đến quản lý tài nguyên, phát triển các mô hình sinh kế bền vững; (4) Kết nối và trao đổi học tập, nghiên cứu qua hình thức trao đổi thực tập sinh trong và ngoài nước.
Với mục tiêu nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mô hình về quản lý tài nguyên hiệu quả và bền vững liên quan đến tiếp cận cảnh quan, phục hồi cảnh quan, nông lâm kết hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên. Hai bên tin tưởng rằng việc hợp tác này sẽ góp phần tận dụng nguồn lực và thế mạnh của các bên, giúp hai bên hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ, sứ mệnh của mình, tăng hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và góp phần phát triển sinh kế hộ gia đình, cộng đồng trên địa bàn Tây Nguyên, góp phần chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thành quả của hai bên trong sử dụng và quản lý tài nguyên bền vững.
Phòng Tạp chí và Truyền thông