Đây là chủ đề Hội nghị khoa học do Trường Đại học Đà Lạt và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức chiều 12/5 tại Đà Lạt. Hội nghị thu hút 34 đề tài nghiên cứu và tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, TS. Phạm S; các GS, PGS, TS, NCS, ThS các trường đại học, Viện nghiên cứu; các chủ doanh nghiệp, nhà quản lý sở, ngành, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…
Lâm Đồng là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước
Tỉnh Lâm Đồng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đông Nam Bộ. Với nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, điều kiện sinh thái và nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) nói riêng. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; tạo ra chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Nhiều mô hình phát triển về giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt được chọn lọc, lai tạo đưa vào nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm; các dự án xây dựng mô hình UDNNCNC được chuyển giao ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 65.308 ha đất sản xuất NNUDCNC (chiếm 21,8% diện tích đất canh tác); đã mở rộng và phát triển 213 chuỗi liên kết từ thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản, với tổng diện tích liên kết 31.212 ha; diện tích sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững (4C, UTZ, Rainforest) 84.019 ha, sản lượng đạt 261.620 tấn/năm. Diện tích được cấp giấy chứng nhận hữu cơ trong trồng trọt 1.298 ha và chăn nuôi 139 ha. Cùng việc ứng dụng nông nghiệp thông minh có bước phát triển về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi,…; đồng thời giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT.
TS. Hoàng Việt Bách Khoa (Trường Đại học Đà Lạt) nhấn mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp là bước tiến đột phá về phát triển kinh tế bền vững tỉnh Lâm Đồng. Theo tác giả, có thể áp dụng các giải pháp như: Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và mạng lưới thông tin; Phát triển ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp; Đào tạo và nâng cao năng lực cho người nông dân; Tăng cường hỗ trợ chính sách; Tạo môi trường đầu tư thuận lợi. “Không thể có doanh nghiệp chuyển đổi số nông nghiệp thành công nếu không có nông dân số. Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết số phải thực hiện vai trò là người đặt hàng thiết lập các ứng dụng số cần thiết cho chuỗi của mình, tạo lập liên kết thông minh, bền vững với nông dân”, TS. Khoa nhấn mạnh.
Những kiến giải về khoa học công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao
Bàn về biện pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm đất trồng sau, hoa ở Lâm Đồng, nhóm tác giả của Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam cho rằng: “Sự phục hồi lại sức khỏe của đất là cách thức tự trả lại cho đất những tính chất và khả năng sản xuất mà nó từng có trước khi lâm vào tình trạng suy thoái”. Do đó, cần các giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật.
Chia sẻ một số kết quả nghiên cứu lai tạo giống rau, hoa, TS. Nguyễn Thế Nhuận (Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Hiện, Việt Nam có khoảng 0,5 triệu ha rau với sản lượng khoảng 10 triệu tấn/năm, đạt bình quân 116kg/người/năm, nếu kể cả rau phân tán vườn gia đình, nhu cầu 120kg/người/năm đã đủ. “Vấn đề hiện nay là rau an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo các tiêu chuẩn phù hợp cho thị trường nội tiêu và thị trường rau chất lượng cao cho xuất khẩu. Việt Nam cũng đang có khoảng trên 45 ngàn ha trồng hoa, cây cảnh rải rác ở các tỉnh, thành; sản lượng hàng năm khoảng 3.658 triệu cành, chiếm trên 40% diện tích và 50% sản lượng hoa của cả nước”, tác giả nêu. Muốn phát triển xuất khẩu rau, hoa phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ sản xuất, xuất khẩu đến chính sách.
Phát triển marketing sản phẩm nông sản xanh cho các hộ nông dân, PGS.TS. Nguyễn Văn Huân (Đại học Thái Nguyên) khẳng định: “Bài toán về marketing sản phẩm, hàng hóa vẫn luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân mà nó lại càng trở lên quan trọng đối với những người nông dân trong xu thế chuyển đổi số toàn cầu, người nông dân không hiểu biết về công nghệ”.
Nhiều thành tựu về nông nghiệp công nghệ cao
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng, GS.TS. Dương Tấn Nhựt (Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Hiện, Lâm Đồng có hơn 60 cơ sở nuôi cấy mô và cung cấp cho thị trường trên 30 triệu cây giống cấy mô mỗi năm với các loại cây trồng khác nhau. Tác giả nêu một số ứng dụng có hiệu quả như: Đèn LED (Light-emitting diode) – nguồn sáng nhân tạo trong nuôi cấy mô tế bào thực vật; Tạo cây sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy đỉnh sinh trưởng; Bioreactor trong nghiên cứu công nghệ sinh học thực vật; Kỹ thuật nuôi cấy lớp mỏng tế bào trong nghiên cứu một số loại cây trồng khó nhân giống; Nuôi cấy dưới điều kiện mô phỏng không trọng lực; Nano kim loại – tiềm năng trong nghiên cứu và cải thiện chất lượng giống cây trồng; Bảo tồn nguồn gen.
Cũng về tạo giống cây trồng, tác giả Lê Văn Thức và Nguyễn Xuân Hải (Viện Nghiên cứu hạt nhân) nêu hướng ứng dụng công nghệ bức xạ. Hai tác giả cho rằng: “Việc phát triển các giống cây trồng mới với tiềm năng năng suất cao, kháng bệnh, khả năng chống lại các “căng thẳng” sinh học và phi sinh học là rất quan trọng. Do vậy, việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp kết hợp với các kỹ thuật sinh học hiện đại ngày càng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng”. Và kiến nghị: Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ trong chọn tạo giống đột biến chưa thật sự được quan tâm xứng đáng, các đơn vị quản lý khoa học chưa đánh giá hết tiềm năng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và trong chọn tạo giống. Do đó, vẫn chưa có sự đầu tư thích đáng khiến việc triển khai còn có những hạn chế, mang tính tự phát, thiếu sự định hướng…
Vấn đề bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Bộ, PGS.TS. Đinh Văn Phúc, ThS. Tôn Thất Lộc, NCS. Dương Bích Ngọc (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Duy Tân) nêu: Bảo vệ môi trường không chỉ ở đối với công nghiệp, dịch vụ mà còn đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp. Trong đó truy vết nguồn gốc giúp người dân và nhà quản lý hiểu được các nguyên nhân gây ô nhiễm và các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất. Một số nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp là: dư lượng thuốc BVTV và phân bón, rác thải từ các bao bì thuốc BVTV phân bón và đốt lộ thiên. Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, IoT, cảm biến, GIS và viễn thám, công nghệ sinh học, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường giúp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Minh Đạo (Năng lượng sạch Việt Nam)