Sáng ngày 5/10, tại Trường Đại học Đà Lạt, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đã có buổi làm việc, khảo sát tại Trường Đại học Đà Lạt về tình hình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT bao gồm: Đồng chí Nguyễn Văn Phúc – Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Trần Quang Nam – Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT; Đồng chí Trịnh Xuân Hiếu – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Đồng chí Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; Đồng chí Phạm Văn Sinh – Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất; Đồng chí Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; Đồng chí Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và các đồng chí trong đoàn công tác.
Làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, về phía Trường Đại học Đà Lạt, có sự tham dự của đồng chí Lê Minh Chiến – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Vinh – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; đồng chí Mai Minh Nhật – Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; đồng chí Nguyễn Tất Thắng – Đảng ủy viên, Phó Hiệu trưởng; Các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ, Bí thư Đoàn Thanh niên; Chủ tịch Hội sinh viên; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, cùng lãnh đạo các đơn vị của Trường.
Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Lê Minh Chiến đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trường. Theo đó, trong 10 năm qua, Trường Đại học Đà Lạt đã kịp thời ban hành các chiến lược phát triển Trường theo từng giai đoạn, tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý điều hành và xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện tốt nhất những giải pháp được nêu trong Nghị quyết và Chiến lược phát triển của Trường.
Trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, Trường Đại học Đà Lạt đã cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW bằng việc huy động các nguồn lực, các chương trình, dự án của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo nguồn nhân lực giảng viên đại học và chính sách hỗ trợ riêng của Trường, chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu. Tính đến 01/8/2023, Trường có 453 viên chức và người lao động, trong đó có 318 giảng viên (chiếm tỉ lệ 70.2%), trong đó có 01 Giáo sư, 16 Phó giáo sư và 108 tiến sĩ, 206 thạc sĩ, 17 giảng viên cao cấp, 111 giảng viên chính. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường chiếm tỉ lệ 39.3% trên tổng số giảng viên, cao hơn mức trung bình chung của cả nước. So với năm 2013, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường tăng 178%, số lượng Giáo sư và Phó Giáo sư tăng 112%.
Trong giai đoạn 2013 – 2023, Trường đã xây dựng và lập văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt công nhận Hội đồng trường Trường Đại học Đà Lạt nhiệm kỳ 2013 – 2018 và nhiệm kỳ 2019 – 2024 theo đúng các quy định của Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với việc hoàn thiện cơ cấu Hội đồng trường, Trường đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định liên quan phục vụ cho công tác điều hành, quản lý, hoạt động tự chủ đại học. Về công tác tổ chức bộ máy, Trường đã và đang đổi mới công tác quản trị, quản lý dựa trên mục tiêu chiến lược và hệ giá trị cốt lõi của Trường. Tính đến tháng 07/2023, Trường đã sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy gồm: 10 phòng chức năng, 16 khoa chuyên môn, 6 Trung tâm và 01 Viện, Thư viện, Khu nội trú, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên cũng như các tổ chức đoàn thể khác. Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong những năm qua, Trường Đại học Đà Lạt đã huy động hợp lý các nguồn lực con người và nguồn tài chính để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Đà Lạt chú trọng vào việc mở rộng quy mô, ngành nghề, trình độ đào tạo: Giai đoạn 2015 – 2017, Trường mở thêm 01 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 05 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Giai đoạn 2020 – 2023, Trường mở thêm 10 ngành đào tạo trình độ đại học, 02 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 01 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, nâng tổng quy mô ngành đào tạo của Trường lên 58 ngành, trong đó có 41 ngành đào tạo trình độ đại học, 10 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 08 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; Trường cũng đa dạng hóa các loại hình đào tạo hệ vừa làm vừa học, liên thông, văn bằng 2, liên kết đào tạo. Đặc biệt, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Trường Đại học Đà Lạt được thành lập từ năm 2021, góp phần thuận lợi cho công tác giáo dục nội dung quốc phòng và an ninh cho sinh viên của Trường cũng như của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Năm 2015, Trường Đại học Đà Lạt đã tiến hành xây dựng lại toàn bộ các chương trình đào tạo trình độ đại học theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra quốc tế CDIO, Trường Đại học Đà Lạt là thành viên thứ 122 của tổ chức CDIO quốc tế từ năm 2017.
Trong những năm qua, song song với những thay đổi trong hoạt động tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng trao quyền tự chủ trong công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh và lựa chọn phương thức xét tuyển, Trường Đại học Đà Lạt đã tích cực, chủ động mở rộng các phương thức xét tuyển. Bên cạnh phương thức sử dụng kết quả thi THPT truyền thống, Trường đã từng bước mở rộng sang các phương thức tuyển sinh khác như xét kết quả học tập bậc THPT, xét tuyển thẳng học sinh giỏi, xét điểm thi đánh giá năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Trường luôn tập trung, chủ động sáng tạo trong các hoạt động tư vấn tuyển sinh, tiếp cận với người trẻ một cách nhanh chóng hơn.
Trường Đại học Đà Lạt cũng tăng cường công tác kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình. Hiện nay, Trường đã được cấp chứng nhận đạt kiểm định 08 chương trình đào tạo trình độ đại học, trong đó có 05 chương trình theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 03 chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, 02 chương trình đã hoàn thành đánh giá ngoài trong tháng 8/2023 theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA và đang đợi kết quả chính thức. Cho đến nay, Trường Đại học Đà Lạt là trường đại học duy nhất trong khu vực Tây Nguyên và Duyên Hải Nam Trung Bộ có các chương trình đào tạo được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA.
Về công tác nghiên cứu khoa học, thống kê từ năm 2013 đến nay, Trường Đại học Đà Lạt chủ trì thực hiện tổng cộng 463 đề tài và dự án khoa học công nghệ, trong đó có 06 chương trình khoa học công nghệ hợp tác với nước ngoài; 16 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia (Nafosted), 9 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và tương đương, 403 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở. Tạp chí khoa học Trường Đại học Đà Lạt là một trong 6 tạp chí khoa học đầu tiên trong cả nước được chấp thuận chỉ mục vào Hệ thống trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á – ACI từ năm 2017, là tạp chí khoa học đa ngành duy nhất của Việt Nam là thành viên chính thức của Ủy ban Đạo đức xuất bản quốc tế COPE, và được cấp DOAJ Seal từ năm 2020. Hiện Tạp chí của Trường đã xuất bản hoàn toàn bằng tiếng Anh. Riêng trong năm học 2022 – 2023 đã có 5 số xuất bản bằng tiếng Anh, với tỉ lệ tác giả ngoài Trường đăng bài là 86%. Hiện có 10 lĩnh vực xuất bản được Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành tính điểm, trong đó có 1 lĩnh vực được tính 1 điểm, 5 lĩnh vực được tính 0.75 điểm và 3 lĩnh vực được tính 0.5 điểm.
Trường cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện triển khai dự án “Tăng cường thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu cho Trường Đại học Đà Lạt” do Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư. Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2023, góp phần hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, hạ tầng mạng một cách đồng bộ, thiết bị dạy học, thực hành và đặc biệt là hệ thống phần mềm quản lý, quản trị đại học hiện đại, liên thông, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số trong dạy học, nghiên cứu và quản trị Trường.
Một số kiến nghị, đề xuất cũng được gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo như: (1) Cần sớm triển khai và hoàn thiện quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn mới phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia; (2) Xây dựng chiến lược phát triển các ngành khoa học cơ bản trọng điểm để có các chính sách khuyến khích phù hợp; (3) Sớm ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cũng như lộ trình thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học, bên cạnh đó là chuẩn chương trình đào tạo các lĩnh vực để tạo sân chân bình đẳng giữa các các cơ sở giáo dục đại học, giữa hệ thống trường công lập và ngoài công lập; (4) Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ; (5) Sớm có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng và an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Thông báo số 618/TB-BGDĐT ngày 13/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết luận của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng tại buổi làm việc, Trường Đại học Đà Lạt đã được nghe các ý kiến trực tiếp từ các đồng chí lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT như: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Vụ Cơ sở vật chất, Vụ Quản lý chất lượng,… về các vấn đề liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học, tạp chí khoa học, đào tạo, cơ sở vật chất, và quản lý cán bộ… của Trường Đại học Đà Lạt, từ đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị thực hiện các kế hoạch phát triển của Trường trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc ghi nhận những nỗ lực của Trường Đại học Đà Lạt trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đem lại hiệu quả, sự đổi mới tích cực và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo bậc cao trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên, cả nước nói chung. Đồng thời, Thứ trưởng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Trường Đại học Đà Lạt, và nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Do đó, Trường cần tập trung, tăng cường các điều kiện, bám sát các kế hoạch đã đề ra nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn đọng và triển khai các nội dung trong định hướng phát triển của Trường, hướng tới công tác tự chủ đại học, góp phần vào sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo, của tỉnh Lâm Đồng và cả nước.
Phòng Tạp chí và Truyền thông
Các cơ quan báo chí đưa tin về sự kiện:
- Trang thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Báo Lâm Đồng: