(Lâm Đồng online) – Vậy là đã 40 năm… Thật vinh dự và khó khăn khi cầm bút phác thảo về ngôi nhà chung Ngữ văn – Lịch sử của Trường Đại học Đà Lạt. Năm nay tròn 40 năm, Khoa Ngữ văn – Lịch sử có mặt trong đại gia đình các khoa đào tạo của Trường.
Ngày 6 tháng 8 năm 1982, nhiều giảng viên Ngữ văn và Lịch sử đã tạm biệt Khoa Sư phạm thuộc Trường Đại học Tây Nguyên đề về công tác tại Trường Đại học Đà Lạt. Thông thường, các trường đại học sẽ thành lập khoa rồi tiến hành tuyển sinh hoặc từ ban đào tạo phát triển thành khoa, hoặc từ ngành của khoa tách ra lập khoa mới. Riêng Khoa Văn – Sử (tên gọi lúc ấy cả trên văn bản, xin viết tắt là Khoa) ngay từ khi thành lập đã có sẵn sinh viên ngành Ngữ văn các khóa 3, 4 và 5 cùng với các thầy cô giáo của mình chuyển từ trường cũ về trường mới. Khi chuyển đến Trường Đại học Đà Lạt thì Khoa có thêm khóa mới: Lớp Văn khóa 6 là khóa tuyển sinh chính thức đầu tiên tại ngôi trường này. Vậy là ngay khi vừa thành lập Khoa đã có sẵn thầy cô giáo và có đủ cả 4 khóa đào tạo. Đó chính là một điểm hy hữu đặc thù đáng nhớ trong lịch sử Khoa Văn – Sử trong những ngày đầu và Khoa Ngữ văn – Lịch sử ngày nay.
Tự hào khi nhìn lại đội ngũ các thế hệ giảng viên … Thế hệ “khai sơn phá thạch” năm ấy bao gồm các thầy cô giáo khả kính: Thầy Lê Văn Sơn là người Phụ trách Khoa Văn – Sử đầu tiên, cùng nhiều thầy cô giáo ngành Văn: Phạm Hậu Thành, Nguyễn Khắc Huấn, Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Thị Hồng, Vũ Minh Tiến, Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Hữu Hiếu, Đỗ Quốc Cường, Nguyễn Hồng Dũng. Ngành Sử lúc này đã có các thầy cô giáo: Nguyễn Cảnh Huệ, Cao Thế Trình, Lê Đình Bá, Nguyễn Thông, Hoàng Thị Như Ý, Thu Nhung Mlô Duôn Du… Các giảng viên thế hệ đầu tiên này xuất phát từ hai “lò” đào tạo là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Vinh, họ chính là những bậc khai Khoa. Vượt qua muôn vàn khó khăn của thời cuối bao cấp, với lòng yêu nghề yêu trẻ, lớp giảng viên đa phần chưa đến tuổi 30 đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự hình thành và khai mở vườn ươm trí tuệ. Hầu hết lớp giảng viên đầu tiên đã nỗ lực phấn đấu tu nghiệp và đã đạt học vị Tiến sĩ hoặc học hàm (chức danh khoa học) Phó giáo sư, nhiều người lần lượt trở thành lãnh đạo khoa, phòng sau này.
Từ năm 1982 đến 1990, Khoa liên tiếp được bổ sung các nguồn mới vào đội ngũ giảng viên, lúc đấy gọi là cán bộ giảng dạy. Trước hết là các nhà nghiên cứu đến từ miền Bắc, chủ yếu là từ các viện và trường đại học tại Hà Nội: PGS. PTS Nguyễn Khắc Tụng đến từ Viện Dân tộc học, trở thành Chủ nhiệm Khoa Văn – Sử; thầy Nguyễn Tuấn Tài (đến từ Viện Ngôn ngữ học) và thầy Lê Văn Sơn cùng làm Phó Chủ nhiệm Khoa. Có mặt từ những năm tháng ấy còn có thầy Lê Hồng Bình từ Viện Dân tộc học, về sau làm Chủ nhiệm Khoa Sử; PGS Hồ Tấn Trai – nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Tổng hợp Huế cũng về Trường Đại học Đà Lạt, thầy là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Văn (chưa gọi là Ngữ văn như sau này). PGS Nguyễn Gia Phu từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng đã vào Đà Lạt và từng là Trưởng ban Lịch sử. Muộn hơn một chút, năm 1994, PGS.TS Lê Chí Dũng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Trường đảm nhiệm cương vị Trưởng khoa KH Xã hội & Nhân văn (khi nhập các khoa ngành) và Trưởng khoa Ngữ văn khi các Ban lại dược phục hồi thành các Khoa. Sự có mặt kịp thời của các nhà khoa học thành danh đã góp phần rất quan trọng trong công tác chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Khoa, của Trường. Kể từ đó, nhiều đề tài khoa học được triển khai, đa phần gắn với nhiệm vụ đào tạo và phục vụ Tây Nguyên, nhiều công trình khoa học tập thể được xuất bản, nhiều hội thảo, hội nghị khoa học được tổ chức.
Trong quãng thời gian này, bên cạnh một số giảng viên từ nguồn cơ hữu của Viện Đại học Đà Lạt như thầy Nguyễn Thanh Châu, thầy Nguyễn Hồng Giáp, Khoa được bổ sung các giảng viên từ các trường cao đẳng và trung học phổ thông như cô Hồ Thị Kim Hoàng, thầy Phạm Quang Trung, thầy Nguyễn Đình Hảo, thầy Hoàng Trọng Hà, thầy Nguyễn Minh. Khoa cũng được bổ sung nguồn nhân lực khi Trường tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Ngữ văn, Khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Đó là các giảng viên: Phạm Quốc Ca, Trần Văn Bảo, Lê Hồng Phong, Nguyễn Công Chất, Dương Hữu Biên, Bùi Văn Hùng, Lê Minh Chiến,… Và thầy Hà Nhật Tĩnh tốt nghiệp đại học từ Liên Xô cũng về công tác tại Khoa trong thời gian này. Hầu hết các giảng viên này đã tiếp tục có đóng góp cho sự phát triển Khoa, nhiều người lần lượt trở thành lãnh đạo Trường và lãnh đạo các khoa, phòng. Trong khoảng thời gian 1985 – 1990, một số sinh viên đã được giữ lại Khoa để làm giảng viên như Hoàng Đức Lâm, Hà Thị Mai, Nguyễn Văn Minh, Huỳnh Văn Thông. Các nhà giáo – nhà khoa học vừa kể trên đây đa phần nay đã nghỉ hưu hoặc cận hưu, một số nhà giáo lão thành đã đi xa, một số thầy cô đã chuyển công tác. Khoa đã trải qua nhiều chặng đường phát triển với những lần tách nhập khác nhau nhưng luôn kế thừa và phát triển cả về đào tạo, khoa học và xây dựng đội ngũ một cách liên tục. Ngoài việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy các ngành Ngữ văn, Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Sư phạm Lịch sử, giảng viên của Khoa còn đóng góp vào việc khai mở, đào tạo hoặc tham gia quản lý các ngành mới như: Việt Nam học, Đông phương học, Luật học, Xã hội học, Công tác xã hội, Văn hóa học, Văn hóa Du lịch, Trung Quốc học…
Trước và sau khi nhập về một khoa, Khoa Ngữ văn – Lịch sử đã có gần 20 năm đào tạo cao học gồm hai chuyên ngành Văn học Việt Nam, Lịch sử Việt Nam và bước đầu đào tạo bậc tiến sĩ. Quá trình đào tạo trí thức cho đất nước cũng là quá trình tự đào tạo và nghiên cứu khoa học của chính đội ngũ giảng viên. Hiện nay, lực lượng cơ hữu chủ chốt của Khoa Ngữ văn – Lịch sử là các giảng viên ở độ tuổi từ 35 – 45, hầu hết có trình độ thạc sĩ trở lên, chừng quá nửa đội ngũ này là tiến sĩ. Có thể kể tên các tiến sĩ: Mai Minh Nhật, Võ Tấn Tú, Lê Xuân Hưng, Nguyễn Văn Bắc, Cao Đại Trí, Nguyễn Cảnh Chương, Phạm Văn Hóa, Võ Thị Thùy Dung, Kiều Thanh Uyên, Phan Thị Hà Thắm, Trần Thị Bảo Giang, Nguyễn Thị Quỳnh Như,… Thế hệ sung sức này trong đội ngũ những người “gieo trồng” chữ nghĩa thực sự vừa là hiện tại vừa là tương lai đầy triển vọng của Khoa Ngữ văn – Lịch sử đáng tin tưởng và tự hào.
Một sự tập hợp, điểm danh và hội tụ các thế hệ… Kỷ niệm 40 năm truyền thống của Khoa Ngữ văn – Lịch sử, được sự chấp thuận về chủ trương của lãnh đạo Trường và sự hưởng ứng của cả các thế hệ giảng viên, Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn – Lịch sử đã tiến hành tổ chức bản thảo, tuyển chọn và biên tập để hoàn thành công trình tập thể mang tính tuyển tập. Đó là cuốn sách với tên gọi NHỮNG VẤN ĐỀ NGỮ VĂN – LỊCH SỬ, bao gồm 2 tập: Tập 1. Những vấn đề Ngữ văn và Báo chí; Tập 2. Những vấn đề Lịch sử và Văn hóa.
Về tác giả, trong cả hai tập sách có sự góp mặt của một số nhà khoa học đã quá cố, có bài do gia đình gửi đến và một số bài do chính Ban Biên tập tự tìm kiếm trong các công trình đã xuất bản từ trước đến nay như một nỗ lực nhằm tri ân và tưởng nhớ đến quý thầy cô đã cống hiến trọn đời cho giáo dục đại học, cho khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà. Ngoài ra còn có sự vui vẻ đóng góp bài vở của các nhà giáo về hưu, các nhà giáo đã chuyển công tác. Và tất nhiên, các giảng viên cơ hữu chuyên ngành và liên ngành đều hăng hái gửi bài tham gia. Một số nghiên cứu sinh và học viên cao học thuộc hai chuyên ngành Lịch sử Việt Nam và Văn học Việt Nam đã được Ban Chủ nhiệm Khoa khuyến khích tham gia với những tác phẩm khoa học đầu tay rất đáng hoan nghênh.
Về lĩnh vực quan tâm của các bài nghiên cứu, nhìn chung đều gắn với thế mạnh chuyên môn của từng tác giả – giảng viên. Ở tập 1, bên cạnh một số bài viết về ngôn ngữ và báo chí, là hàng loạt bài viết về văn học dân gian, về văn học Việt Nam trung đại, hiện đại và đương đại, về văn học Việt Nam hải ngoại và văn học nước ngoài. Và tất nhiên, bên cạnh những bài mang tính chuyên sâu, chuyên ngành là những bài xuất phát từ hướng tiếp cận liên ngành hoặc nghiên cứu theo loại hình văn học hoặc so sánh văn học,…Tập 2 gồm những bài về lịch sử Việt Nam từ trung đại đến hiện đại; nhiều nhất là các bài về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng từ các góc độ khác nhau: Khảo cổ học, Dân tộc học, Văn hóa học, Việt Nam học, Địa danh học,…
Thời điểm xuất hiện các bài là khác nhau, các bài được công bố vào thời điểm một vài chục năm trước được sắp xếp bên cạnh những bài mới hoàn thành trong vài năm trở lại đây. Sợi dây liên kết duy nhất ở đây chính là tình cảm cố kết của “đại gia đình” các nhà giáo – nhà khoa học Ngữ văn và Lịch sử dưới mái nhà chung Trường Đại học Đà Lạt. Với sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, có thể xem công trình tập thể này là như một vườn hoa nho nhỏ đầy hương sắc hướng tới kỷ niệm 40 năm Khoa Ngữ văn – Lịch sử hình thành và phát triển. Với thành tựu đào tạo hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho Tây Nguyên, cho Việt Nam nói chung, đội ngũ giảng viên và sinh viên các thế hệ có quyền tự hào về những gì mà thầy trò Ngữ văn – Lịch sử đã gặt hái được trên chặng đường nghiên cứu, giảng dạy, học tập và cống hiến cho xã hội.
Mặc dù đã rất cố gắng, tuyển tập công trình nghiên cứu mang tính điểm danh, tập hợp và hội tụ tất cả các thế hệ nhà giáo trong hai tập sách này cũng không tránh khỏi sự bất cập nhất định. Hy vọng sẽ nhận được sự thể tất ban đầu và sự góp ý về sau để chuỗi hoạt động Kỷ niệm 40 năm hình thành và phát triển của Khoa Ngữ văn – Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt được trọn vẹn, ấm áp nghĩa tình.
Nguồn:
THI PHONG (Báo Lâm Đồng)